MC Lê Anh: Ép uống đến gục mới thôi, văn hóa uống đang “đeo mặt nạ”

Văn hoá mời rượu của người Việt bị “đeo mặt nạ”! Đó là ý kiến của MC, Thạc sỹ Trịnh Lê Anh – Giảng viên Du lịch và Sự kiện, Đại học Quốc gia Hà Nội khi trao đổi với PV Infonet về văn hoá uống rượu của người Việt Nam.

infonet_le_anh

Thạc sỹ Trịnh Lê Anh trong một lần đi nghiên cứu văn hoá dân tộc tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhiều năm giảng dạy và hướng dẫn sinh viên về văn hoá giao tiếp, lễ tân ngoại giao, một trong những chủ đề thày giáo Lê Anh cùng các học trò thường xuyên trao đổi chính là văn hóa uống bia rượu và ứng xử quanh bàn nhậu của người Việt trong tương quan với thế giới.

“Hiện nay, văn hoá rượu bia có thể được hiểu là thói quen sử dụng rượu bia quá nhiều và thiếu kiểm soát, kèm theo những ứng xử mang nặng tính đối phó, hình thức và không thiện chí quanh bàn tiệc, bàn nhậu của một bộ phận người Việt. Thực chất, văn hóa này được dung dưỡng chủ yếu bởi nhóm người có lối sống không khỏe mạnh, tích cực, coi thường những cảnh báo sức khỏe, lười lao động, sính giao lưu – quan hệ xã hội gắn với tiệc tùng, bia rượu và cho rằng đó là tất cả tạo ra “chất lượng sống” của họ.
Phần nhiều, ngoài nhóm nghiên rượu, bia, ngoài nhóm cán bộ, công chức tha hóa vận hành quyền lực thông qua những “giao lưu” có bia rượu thì là một bộ phận lớn cư dân nhàn rỗi, thất nghiệp ở các miền quê dẫn đến thừa thời gian nên mới tìm tới rượu bia!” – thạc sỹ Trịnh Lê Anh nhận định.

Thạc sỹ Trịnh Lê Anh phân tích: Nhóm nhàn rỗi, công việc làm không có hoặc không ổn định, thu nhập thấp, sống dựa dẫm, ỷ lại vào cộng đồng lại rất “chăm chỉ” tụ tập rượu, bia! Lý giải không khó khi nhìn vào yếu tố tâm lý của cá nhân họ cùng sự bao bọc của cộng đồng. Đây là nhóm người lười nhác, thiếu vận động đầu óc lẫn thể lực, tự xếp mình vào nhóm thiệt thòi, yếu thế trong xã hội, họ sử dụng rượu bia để “giải sầu”, “quên đi thực tại” và phần nào nhằm cân bằng khả năng giao tiếp tự tin với những nhóm khác trong xã hội. “Trong một cuộc giao tiếp, những người có khả năng giao tiếp kém thường bị lép vế hơn nên thường cố sử dụng rượu bia để dành lại lợi thế trên bàn nhậu.

Ngoài ra, sự giao tiếp không bình đẳng do những định kiến tâm lý và sự tự ti cố hữu cũng làm cho tập quán sử dụng rượu nhiều hơn của người dân miền ngược trở thành “vũ khí sức mạnh”, “công cụ niềm tin” của họ trong bàn nhậu, bàn tiệc với những người “anh em” từ dưới xuôi lên! “Nhập gia tùy tục” hay “quý trọng lắm mới mời uống say” không thực chất như bản nghĩa mà bị lợi dụng cho những khỏa lập tâm lý tự ti trong giao tiếp đồng đẳng! Và đương nhiên, những nét đẹp văn hóa từ truyền thống mời rượu đã bị đeo mặt nạ cho những mục đích khác không được nói ra!

Thạc sỹ, MC Lê Anh cho rằng tình trạng ép rượu, ép bia đã được hạn chế nhiều, nhưng suy giảm về “lượng” không có nghĩa là không còn nghiêm trọng.

Những cuộc ép rượu bia ngày càng đi sâu về “chất” và thậm chí còn có sự đảm bảo điều kiện vật chất kèm theo. Xã hội càng gia tăng những nguồn lực về kinh tế, con người có điều kiện tài chính tốt hơn thì “khả năng chi trả” cũng tăng lên từ một vài lít rượu quốc lủi hay những vại bia mậu dịch trong những năm tháng bao cấp khó khăn đến những chai rượu Tây đắt tiền hay những “suối” bia vô tội vạ cho những cuộc “tắm bia”! Do vậy, những hệ luỵ từ rượu bia vẫn tiếp tục gia tăng dẫn đến những thiệt hại không đáng có về tài sản và sức khoẻ.

Gần đây sự biện minh cho “lý do” tham gia tới cùng các cuộc tụ tập bia rượu của một bộ phận giới trẻ đã khác xưa. Trước đây, người uống bị say thường đổ lỗi cho việc “bị ép” uống đến gục mới thôi. Hiện nay, theo quan sát của nhà nghiên cứu văn hoá trẻ, sự ép buộc sử dụng rượu bia quá mức trong nhóm tụ tập đã giảm do sự ý thức cao hơn của mỗi cá nhân về sức khỏe và những hệ lụy, đặc biệt ở môi trường mang đậm tính công nghiệp của các đô thị lớn. Do đó, “lý do” để say lướt khướt và mất tự chủ của nhóm này đã chuyển thành “uống để vui”, “uống để giải tỏa tâm lý”, “uống cho bằng bạn bang bè, để thể hiện tinh thần hết mình vì chiến hữu”…

Do vậy, ngoài nhận thức, ta cũng phải bàn đến vấn đề bản lĩnh trong thực hành cuộc sống có bia rượu! Câu chuyện về cac chất gây nghiện tương tự từ thuôc lá đến các chất kích thích khác vẫn được sử dụng quá mức phản ánh rằng tâm lý, tâm thần của một bộ phận người trẻ thực sự “có vấn đề”!

Lý giải nguyên nhân ở góc độ vĩ mô, Thạc sỹ Trịnh Lê Anh cho rằng hiện nay Việt Nam chưa có những động thái đủ mạnh trong vận động hay thực thi luật pháp cấm, giảm uống rượu bia, hoặc đơn giản là hạn chế không gian hay điều kiện để tiêu thụ bia rượu ở diện phổ thông. Một so sánh cụ thể là việc những người hút thuốc lá đều dần phải làm quen với việc tìm không gian riêng để hút, tránh làm phiền người khác. Nhưng với nhóm người uống rượu, bia, bất cứ đâu trên đường phố, đầu làng cuối xóm, chúng ta đều có thể nghe thấy những tiếng “dzô, dzô” mà gần như không có bất cứ một sự giới hạn nào.

Câu chuyện chính sách có thể vượt quá tầm phân tích của bài viết này, Ths. Trịnh Lê Anh nói thêm, nhưng cũng cần được nêu ra như một chiếc “vòng kim cô” đặc biệt hữu hiệu để điều chỉnh một hành vi xã hội nào đó, kẻ cả nó mang đậm tính tập tục hay là “văn hóa” hình thành lâu nay! Những ví dụ về việc quản lý mua bán, sử dụng rượu bia tại Singapore hay nhiều nước châu Âu, Mỹ cũng khiến chúng ta cần suy nghĩ. Những nước đạo Hồi từ gốc văn hóa tín ngưỡng của họ đã nói không với bia rượu thì dễ hiểu, nhưng với những đất nước đa chủng tộc, đa văn hóa thì chính sách với vấn đề này được bàn thảo rất kỹ càng… Đã từng có thời, khách du lịch Việt Nam sang Singapore “ức chế” vì chỉ được mang 01 chai rượu vào quốc đảo và lại còn bị yêu cầu phải mở nắp (coi như đã sử dụng) ngay tại sân bay, cửa khẩu trước khi vào du lịch nơi đây!

“Cần bao nhiêu thời gian để bỏ thói quen sử dụng rượu bia thái quá của người Việt? Sẽ không bao giờ là sớm để bắt đầu những chương trình hành động tầm quốc gia. Phải thực hiện ngay để 10 năm, 20 năm sau văn hoá sử dụng rượu bia của người Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực. Tôi cứ ngẫm, có một phép biến mỗi người Việt Nam trở thành những người bận rộn hơn trong lao động và hưởng thụ cuộc sống một cách tích cực thì tình trạng lạm dụng rượu bia sẽ tự nó được xóa bỏ!” – Thạc sỹ Trịnh Lê Anh.

Xuân Phú

Nguồn: http://infonet.vn/mc-le-anh-ep-uong-den-guc-moi-thoi-van-hoa-uong-dang-deo-mat-na-post191828.info