Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản từ chức sau bê bối nhận hối lộ

Ông Akira Amari, nhân vật chủ chốt trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe, ngày 28/1 tuyên bố từ chức sau cáo buộc nhận hối lộ từ một công ty xây dựng.

37318633__28_01_2016__japanpolitics_amariresignation

Ông Akira Amari trong phiên họp của Thượng viện Nhật Bản ngày 28/1. Ảnh: Reuters

“Với trách nhiệm là một thành viên quốc hội, nội các và niềm tự hào của một chính trị gia, tôi sẽ từ chức từ hôm nay”, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari nói với giọng nghẹn ngào tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 28/1.
“Nhật Bản đang thoát khỏi lạm phát. Chúng ta cần tuân theo luật pháp để đánh bại tình trạng lạm phát và tạo một nền kinh tế mạnh mẽ nhất trong thời gian sớm nhất. Mọi điều gây cản trở đều cần bị loại bỏ và tôi không phải là ngoại lệ”, ông Amari phát biểu.
Theo chính trị gia 66 tuổi, ông muốn từ chức bộ trưởng để nhận trách nhiệm cho những việc phụ tá của ông đã làm.
Theo Reuters, dù tuyên bố từ chức, Amari bác bỏ cáo buộc ông nhận hối lộ từ một giám đốc công ty xây dựng theo lời buộc tội trước đó của tờ tạp chí Shukan Bunshun. “Nhét tiền vào túi trước mặt người khác là hành động làm mất phẩm giá”, ông Amari nói.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, giám đốc điều hành công ty xây dựng đã đem theo phong bì chứa tiền mặt khi tới thăm văn phòng của ông. Tuy nhiên, Amari nói với thư ký nhận phong bì này theo quy tắc “quyên góp chính trị”.
Tuần trước, tạp chí Shukan Bunshun đăng bài báo cáo buộc ông Amari và các trợ lý nhận 12 triệu yên (144.000 USD) từ một công ty xây dựng giấu tên. Đối lại, họ sẽ giúp đỡ công ty này nhận tiền bồi thường từ chính phủ liên quan tới các tranh chấp về quyền sở hữu đất và tiêu hủy chất thải tại một công trình công cộng.
Amari là một nhân vật thân cận của Thủ tướng Shinzo Abe và thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu chính sách. Ông giữ vai trò đầu tàu trong chính sách kinh tế của thủ tướng, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản tại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Những cáo buộc Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản nhận hối lộ xuất hiện trong thời điểm nhạy cảm khi các nhà hoạch định chính sách nước này đang vật lộn với thị trường chứng khoán biến động, đồng yên tăng và lo ngại nền kinh tế toàn cầu suy yếu.
Chính phủ của ông Abe đã chứng kiến 3 bộ trưởng khác phải từ chức vì các bê bối tương tự. Năm 2014, hai nữ bộ trưởng phải từ chức vì cáo buộc chi tiền để đổi lấy phiếu bầu. Năm ngoái, bộ trưởng nông nghiệp Koya Nishikawa từ chức sau khi bị cáo buộc sử dụng công quỹ bất hợp pháp.

http://news.zing.vn/Bo-truong-Kinh-t…ost622903.html